Trong quản lý cán bộ nhà nước, các chức vụ quan trọng thì miễn nhiệm là một từ không còn quá xa lạ. Tuy nhiên đối với nhiều người “ngoại đạo” thì từ miễn nhiệm nghĩa khá rộng. Vậy miễn nhiệm là gì? Vì sao lại miễn nhiệm, quy trình hình thức ra sao. Cùng tham khảo ngay bài viết dưới đây để có câu trả lời
1. Miễn nhiệm là gì?
Miễn nhiệm là việc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thôi giữ chức vụ lãnh đạo đối với cán bộ, công chức vì những lý do hoặc vi phạm nào đó.

Tại Văn bản hợp nhất 25/VBHN-VPQH ngày 16 tháng 12 năm 2019 hợp nhất Luật Cán bộ, công chức quy định Miễn nhiệm là việc cán bộ, công chức được thôi giữ chức vụ, chức danh khi chưa hết nhiệm kỳ hoặc chưa hết thời hạn bổ nhiệm.
Không chỉ áp dụng đối với các cán bộ công chức nhà nước mà việc miễn nhiệm còn được áp dụng tại các doanh nghiệp, công ty. Tuy chưa có quy định cụ thể nhưng rất nhiều đơn vị cũng đã áp dụng quy định này để thôi chức vụ trong doanh nghiệp khi chưa hết thời hạn.
2. Quy định thôi giữ chức vụ, miễn nhiệm, từ chức của cán bộ:
Căn cứ theo Điều 42 Văn bản hợp nhất 02/NĐHN-BNV ngày 21 tháng 5 năm 2019 hợp nhất Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức quy định về việc từ chức, miễn nhiệm như sau:
“Điều 42. Từ chức, miễn nhiệm đối với công chức
Việc từ chức đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Công chức tự nguyện, chủ động xin từ chức để chuyển giao vị trí lãnh đạo, quản lý;
b) Công chức nhận thấy không đủ sức khỏe, năng lực, uy tín để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao;
c) Công chức nhận thấy sai phạm, khuyết điểm của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình hoặc của cấp dưới có liên quan đến trách nhiệm của mình;
d) Công chức có nguyện vọng xin từ chức vì các lý do cá nhân khác.
Việc miễn nhiệm đối với công chức được thực hiện trong các trường hợp sau đây:
a) Được cấp có thẩm quyền điều động, luân chuyển, bố trí, phân công công tác khác mà không được kiêm nhiệm chức vụ cũ;
b) Không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý;
c) Không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức;
d) Không đủ năng lực, uy tín để làm việc;
đ) Vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ.
Công chức chưa được cấp có thẩm quyền quyết định cho từ chức hoặc miễn nhiệm vẫn phải tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, chức trách được giao. Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do từ chức hoặc miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.”

Như vậy, theo quy định tại Luật Cán bộ, công chức thì việc miễn nhiệm được áp dụng đối với các trường hợp:
– Cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ được giao; không đủ năng lực, uy tín mà theo yêu cầu nhiệm vụ công tác cần phải thay thế;
– Cán bộ vi phạm pháp luật, bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng chưa tới mức cách chức hoặc bãi nhiệm;
– Cán bộ đang giữ chức vụ có nguyện vọng xin thôi giữ chức;
– Theo đề nghị của cán bộ, công chức vì lý do sức khỏe hoặc vì lý do khác.
Miễn nhiệm gắn với yếu tố chủ quan do cán bộ gây nên do đó, người đang giữ chức vụ xin miễn nhiệm và cấp trên chấp thuận hoặc cấp trên ra quyết định miễn nhiệm vì lý do không hoàn thành nhiệm vụ, yêu cầu nhiệm vụ…
Hệ quả của miễn nhiệm là cán bộ không còn làm việc và giữ chức vụ đó tại cơ quan nhà nước mà có thể làm việc tại một vị trí, chức vụ khác trong cơ quan nhà nước. Khác với bãi nhiệm và cách thức thì cán bộ sẽ không còn làm việc tại cơ quan nhà nước nữa.
3. Chế độ, chính sách đối với công chức từ chức, miễn nhiệm:
Theo quy định về sử dụng và quản lý công chức thì công chức sau khi từ chức, miễn nhiệm được hưởng một số chế độ như sau:
– Công chức sau khi thôi giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý do miễn nhiệm được người đứng đầu cơ quan sử dụng công chức bố trí, phân công công tác khác phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị và trình độ, năng lực của công chức.
– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm do không đủ sức khỏe để tiếp tục lãnh đạo, quản lý được bảo lưu phụ cấp chức vụ hiện hưởng trong 6 tháng kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.
– Công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý miễn nhiệm do không hoàn thành nhiệm vụ hoặc vi phạm kỷ luật của Đảng, vi phạm pháp luật của Nhà nước nhưng chưa đến mức bị kỷ luật bằng hình thức cách chức; do không đủ năng lực, uy tín để làm việc; do vi phạm quy định của cơ quan có thẩm quyền về bảo vệ chính trị nội bộ thì thôi hưởng phụ cấp chức vụ kể từ ngày có quyết định miễn nhiệm.
4. Thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức:
– Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị được phân công, phân cấp quản lý công chức quyết định việc bổ nhiệm, bổ nhiệm lại hoặc quyết định cho từ chức, miễn nhiệm đối với công chức.
– Trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm đối với công chức thực hiện theo quy định của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền quản lý công chức.
* Miễn nhiệm trong doanh nghiệp
Việc miễn nhiệm đối với các chức vụ trong doanh nghiệp cũng thường do các nguyên nhân miễn nhiệm đối với các cơ quan nhà nước. Trong các doanh nghiệp, công ty thì thường thực hiện miễn nhiệm với các chức vụ như:
– Với công ty cổ phần: chủ tịch hội đồng quản trị, người trong hội đồng quản trị, tổng giám đốc, giám đốc, kiểm soát viên, quản lý…
– Đối với công ty TNHH: Chủ tịch hội đồng, chủ tịch công ty, tổng giám đốc, giám đốc, phó giám đốc, kiểm soát viên, quản lý…

5. Một số quy định khác có liên quan đến bổ nhiệm, bổ nhiệm lại:
Ngoài ra, cần phân biệt bổ nhiệm, bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.
* Bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
– Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
+ Đạt tiêu chuẩn, điều kiện của chức vụ, chức danh được bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền;
+ Có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan có thẩm quyền xác minh rõ ràng, có bản kê khai tài sản theo quy định;
+ Trong độ tuổi bổ nhiệm theo quy định;
+ Có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
+ Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
– Thời hạn mỗi lần bổ nhiệm là 05 năm, trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền.
* Bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý
– Cơ quan quản lý công chức phải thực hiện bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại đối với công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm theo quy định tại khoản 2 Điều 40 Nghị định này.
– Tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý:
+ Hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý;
+ Đạt tiêu chuẩn của chức vụ công chức lãnh đạo, quản lý đang đảm nhiệm tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại;
+ Đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao;
+ Không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật.
– Thời điểm xem xét bổ nhiệm lại:
+ Chậm nhất là 90 ngày trước ngày hết thời hạn bổ nhiệm, cơ quan quản lý công chức phải tiến hành quy trình bổ nhiệm lại để quyết định hoặc trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại công chức lãnh đạo, quản lý;
+ Quyết định bổ nhiệm lại công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
– Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm, tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 05 năm công tác mà được bổ nhiệm lại thì thời hạn bổ nhiệm được tính đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định. Trường hợp tính đến tháng đủ tuổi nghỉ hưu còn dưới 02 năm công tác, cơ quan quản lý công chức xem xét, nếu đủ tiêu chuẩn, điều kiện thì quyết định kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cho đến thời điểm đủ tuổi nghỉ hưu. Quyết định về việc kéo dài thời gian giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý phải được ban hành trước ít nhất 01 ngày làm việc, tính đến ngày hết thời hạn bổ nhiệm.
– Công chức lãnh đạo, quản lý khi hết thời hạn bổ nhiệm mà không đủ tiêu chuẩn, điều kiện để được bổ nhiệm lại thì cơ quan có thẩm quyền bố trí, phân công công tác khác.
6. Trường hợp xem xét miễn nhiệm chủ tịch nước

Theo Điều 5 Quy định 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021 việc xem xét miễn nhiệm cán bộ được căn cứ vào một trong các trường hợp sau:
– Bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách nhưng uy tín giảm sút không thể đảm nhiệm chức vụ được giao.
– Bị kỷ luật khiển trách hai lần trở lên trong cùng một nhiệm kỳ hoặc trong thời hạn bổ nhiệm.
(Trước đây, quy định hai lần bị xử lý kỷ luật trong một hoặc hai nhiệm kỳ)
– Có trên 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp tại kỳ lấy phiếu theo quy định. (Quy định mới được bổ sung)
– Có hai năm liên tiếp được xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.
(So với trước đây, thay cụm từ “hai năm liên tiếp của nhiệm kỳ giữ chức vụ” thành “hai năm liên tiếp”)
– Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm những điều đảng viên không được làm; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hưởng xấu đến uy tín của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác.
(So với trước đây, bổ sung các căn cứ về “suy thoái về tư tưởng chính trị,lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”; vi phạm trách nhiệm nêu gương, ảnh hướng đến uy tin của bản thân và cơ quan, đơn vị nơi đang công tác)
– Bị cơ quan có thẩm quyền kết luận vi phạm tiêu chuẩn chính trị theo quy định về bảo vệ chính trị nội bộ của Đảng đến mức phải miễn nhiệm.
(So với trước đây, quy định thêm về mức vi phạm “đến mức phải miễn nhiệm”)
Ngoài ra, việc xem xét miễn nhiệm liên quan đến trách nhiệm của cán bộ là người đứng đầu cũng được quy định như sau:
Miễn nhiệm đối với người đứng đầu khi để cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý, phụ trách hoặc cấp dưới trực tiếp xảy ra tham nhũng, tiêu cực rất nghiêm trọng.
(Quy định mới được bổ sung).
7. Quy trình xem xét miễn nhiệm chủ tịch nước
– Khi có đủ căn cứ miễn nhiệm, chậm nhất trong thời gian 10 ngày làm việc thì cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu cơ quan, đơn vị sử dụng cán bộ hoặc cơ quan tham mưu về công tác cán bộ có trách nhiệm trao đổi với cán bộ và đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
– Cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định việc miễn nhiệm trong thời gian 10 ngày làm việc
Trường hợp cần thiết vì lý do khách quan thì có thể kéo dài không quá 15 ngày làm việc.
– Căn cứ quyết định của cấp có thẩm quyền, các cơ quan có liên quan thực hiện quy trình, thủ tục theo quy định của Đảng, pháp luật Nhà nước, điều lệ, quy chế hoạt động của từng tổ chức. (Điều 8 Quy định 41-QĐ/TW ngày 03/11/2021)
Tạm kết
Miễn nhiệm là việc thôi giữ các chức vụ đang làm việc hiện tại, nói cách khác miễn nhiệm chính là nghỉ việc. Trên đây là những giải thích về miễn nhiệm là gì? Hy vọng đã giúp bạn có thêm thông tin hiểu biết hơn. Theo dõi bantinz để cập nhật thêm nhiều thông tin hay ho.